Nhiều doanh nghiệp trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa để kinh doanh, khi làm thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa. Lô hàng lại được cơ quan hải quan phân loại thành luồng xanh, luồng đỏ.
Nhưng không biết rõ việc phân loại này có ý nghĩa gì, căn cứ vào điều kiện gì để phân loại như vậy.
Bài viết hôm nay tôi sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn về phân luồng hải quan, ý nghĩa của luồng xanh, vàng, đỏ một cách chi tiết
Cùng theo dõi nhé!
Mục lục
Phân luồng hải quan là gì?
Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu ở nước ta diễn ra ngày càng sôi động nhưng cũng cực kỳ phức tạp.
Vì vậy, hải quan Việt Nam đã tiến hành phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, quản lý hàng hóa ra vào lãnh thổ được dễ dàng.
Phân luồng hải quan hay còn gọi là phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu trong hải quan là một công cụ, thủ tục và hình thức hữu hiệu giúp cơ quan hải quan Việt Nam thực hiện giám sát kiểm tra và quản lý hàng hóa ra vào lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, hải quan Việt Nam sẽ phân loại hàng hóa dưới 3 hình thức là: luồng xanh, vàng, đỏ. Mỗi luồng hàng được phân loại nói lên mức độ đánh giá của cơ quan hải quan đối với hàng hóa trong quá trình quản lý rủi ro.
Khi bạn xuất nhập khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch, gửi tờ khai lên hệ thống Hải quan thì sau đó lô hàng của bạn sẽ được thông báo duyệt vào luồng nào.

Phân loại luồng xanh, vàng và đỏ có ý nghĩa gì?
Ý nghĩa của 3 luồng như sau:
Luồng xanh: Doanh nghiệp của bạn tuân thủ tốt quy định của pháp luật về hải quan. Được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa.
Tờ khai hải quan sẽ được tự động thông quan trên hệ thống, nhưng hãy nhớ rằng khi đã thông quan bạn cần đính kèm hồ sơ Hải quan lên hệ thống V5 (Hệ thống thông quan điện tử phiên bản 5- bổ trợ cho hệ thống Thông quan tự động VNACCS/VCIS).
Trường hợp không phải nộp thuế: hệ thống tự động cấp phép thông quan sau 3 giây, xuất ra cho người khai “quyết định thông quan hàng hóa”.
Trường hợp phải nộp thuế:
- Đã khai báo nộp thuế bằng hạn mức hoặc thực hiện bảo lãnh (chung, riêng): hệ thống tự động kiểm tra các các chỉ tiêu khai báo liên quan.
- Nếu số tiền hạn mức, bảo lãnh lớn hơn hoặc bằng số thuế phải nộp, xuất “chứng từ ghi số thuế phải thu” và “quyết định thông quan hàng hóa nhập khẩu”.
- Nếu số tiền hạn mức, bảo lãnh nhỏ hơn số thuế phải nộp, hệ thống sẽ báo lỗi.
- Trường hợp khai báo và nộp thuế ngay (chuyển khoản, nộp tiền mặt tại văn phòng hải quan…): Hệ thống xuất “chứng từ ghi số thuế phải thu”. Khi người khai hải quan đã thực hiện nộp thuế, phí, lệ phí và được hệ thống VNACCS xác nhận thì hệ thống xuất “quyết định thông quan hàng hóa”.
Kết quả, đến cuối ngày hệ thống VNACCS sẽ tập hợp toàn bộ tờ khai luồng xanh đã thông quan thành công sang hệ thống VCIS.
Luồng vàng: Hải quan kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa.
Theo quy định, những chủ hàng hóa tuân thủ tốt pháp luật về hải quan, máy móc, thiết bị thuộc diện miễn thuế của dự án đầu tư trong và ngoài nước, hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu thương mại tự do, hàng hóa thuộc các trường hợp đặc biệt do thủ tướng chính phủ quyết định sẽ được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.

Luồng đỏ: Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra chi tiết hàng hóa với các mức độ kiểm tra thực tế lô hàng khác nhau theo Thông tư 112/2005/TT-BTC.
- Kiểm tra thực tế không quá 5% lô hàng: mục đích để đánh giá mức độ chấp hành pháp luật hải quan của chủ lô hàng. Chỉ ngừng kiểm tra khi không có dấu hiệu sai phạm, còn có thì vẫn tiếp tục.
- Kiểm tra thực tế 10% lô hàng: Hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra chi tiết, nhưng phát hiện thấy sai phạm khi phân tích thông tin. Nếu kiểm tra có sai phạm thì tiếp tục kiểm tra, ngưng kiểm tra nếu hết sai phạm.
- Kiểm tra toàn bộ lô hàng: Áp dụng với trường hợp chủ hàng hóa có nhiều lần sai phạm về pháp luật hải quan.
Khi mà xuất nhập ngày càng phát triển và phức tạp, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác hải quan cực kỳ quan trọng.
Khai báo hải quan điện tử hay hệ thống xử lý thông tin tự động giúp Hải quan phân luồng quản lý tốt hơn, dễ dàng phát hiện các sai phạm, ngăn chặn các nguồn hàng không rõ xuất xứ, hàng nhái, kém chất lượng trên thị trường.
Căn cứ để phân luồng hải quan là gì?
Có 2 nhóm căn cứ chính dẫn đến phải phân luồng tờ khai hải quan:
- Đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp
- Quản lý rủi ro đối với hàng hóa
Thứ nhất, đánh giá việc tuân thủ pháp luật sẽ dựa theo các tiêu chí:
Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP
- Tần suất vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế.
- Tính chất và mức độ vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế.
- Quá trình hợp tác với cơ quan hải quan trong đăng ký thủ tục hải quan, giám sát và chấp hành quy định của cơ quan hải quan.
Theo Điều 8, Thông tư 38/2015/TT-BTC
Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật được chia thành:
- Doanh nghiệp ưu tiên
- Doanh nghiệp tuân thủ
- Doanh nghiệp không tuân thủ
Thứ hai, việc quản lý rủi ro đối với hàng hóa theo các tiêu chí:
Theo Điều 12, Thông tư 38/2015/TT-BTC
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh áp dụng chính sách quản lý hàng hóa và chính sách thuế.
- Lĩnh vực, thời gian hoạt động, vận chuyển nội địa, kho lưu trữ cho hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
- Đặc điểm, tính chất, xuất xứ, tần suất, mức độ vi phạm liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
- Các quy định khác liên quan.
Khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai và gửi lên Hệ thống hải quan điện tử, nó sẽ tự động đối chiếu các thông tin trên tờ khai với các nhóm tiêu chí trên, kết hợp với thuật toán để phân luồng quyết định kiểm tra.

Tại sao phải phân luồng hải quan?
Như đã nói ở trên, việc phân loại hải quan thành 3 luồng xanh, vàng, đỏ có ý nghĩa cực kỳ lớn.
Với 3 màu xanh, vàng, đỏ ta có thể liên tưởng ngay đến màu sắc của đèn tín hiệu giao thông. Mức độ quan trọng mang tính cảnh báo sẽ tăng dần từ xanh, vàng đến đỏ tương ứng với mức độ kiểm tra và cảnh giác của cơ quan hải quan.
Việc phân luồng hàng hóa của cơ quan Hải quan bạn có thể xem như việc điều tiết giao thông trên đường. Mức độ kiểm soát cao nhất là luồng đỏ.
Mục đích chính của phân loại hải quan vẫn là để đảm bảo quản lý chặt chẽ, ngăn chặn hàng hóa gian lận, buôn lậu với tạo thuận lợi thương mại.
Quy trình thực hiện phân luồng hải quan
Theo QĐ 874/QĐ-TCHQ ngày 15/05/2006 của Tổng cục Hải quan, có 5 bước để thực hiện quá trình phân luồng hải quan:
- Bước 1: Cơ quan hải quan tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, đăng ký tờ khai, quyết định hình thức, mức độ kiểm tra.
- Bước 2: Nhập thông tin trong hồ sơ lên hệ thống tự động, xử lý và đưa ra hình thức, mức độ kiểm tra theo các tiêu chí có sẵn.
- Bước 3: Cơ quan hải quan kiểm tra chi tiết hàng hóa.
- Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền thu lệ phí hải quan, đóng dấu và trả tờ khai cho người khai.
- Bước 5: Phúc tập hồ sơ (kiểm tra, đối chiếu chứng từ trong hồ sơ hải quan)
Việc phân luồng hàng hóa được tiến hành từ bước 1, và chính thức trong bước 2.

Hàng hóa bị luồng đỏ được kiểm tra như thế nào?
Tờ khai hải quan bị phân luồng đỏ là một điều không đáng mong đợi của những người làm xuất nhập khẩu. Bởi thời gian khai kiểm tra hàng hóa luồng đỏ của bạn bị kéo dài ra, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thông quan.
Nguyên nhân hàng hóa bị luồng đỏ
- Khai báo sai các thông tin trên tờ khai hải quan do thiếu kinh nghiệm của nhân viên khai báo hải quan.
- Doanh nghiệp thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoặc hủy tờ khai.
- Khi thực hiện khai báo, nhân viên không thực hiện theo đúng quy trình khai báo hải quan, nộp chứng từ không đúng thời hạn yêu cầu.
Có thể thấy đây đều là những nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp. Do đó, để làm tốt hơn trong quá trình khai báo hải quan, bạn nên thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu trọn gói hoặc dịch vụ hải quan trọn gói. Họ sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để giải quyết giúp bạn.
Doanh nghiệp vi phạm pháp luật hải quan
Các nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ:
- Doanh nghiệp nợ thuế, đang trong tình trạng bị cưỡng chế hoặc ấn định thuế.
- Doanh nghiệp có hành vi gian lận hoặc trốn thuế.
- Tổ chức buôn lậu và vận chuyển hàng qua biên giới trái phép.
- Cố ý đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra với hàng chưa kiểm tra để lách luật.
- Làm giả niêm phong hải quan hoặc tự ý phá bỏ lệnh niêm phong hàng hóa khi chưa có sự đồng ý của cơ quan hải quan.
- Không chịu phối hợp với cơ quan hải quan để giải quyết vấn đề.
Tổng kết
Vừa rồi tôi đã phân tích cho bạn chi tiết về cách phân luồng hải quan, để bạn nhận thức rõ về hàng hóa luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ là gì.
Từ đó kỹ lưỡng hơn trong quá trình khai báo hải quan, tránh những trường hợp không may rơi vào luồng vàng, luồng đỏ, gây ảnh hưởng đến lô hàng hóa của bạn.
Hoặc bạn có thể liên hệ kịp thời với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu trọn gói để dễ dàng xử lý.
Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm các bài viết sau đây về xuất nhập khẩu hàng hóa: